Bệnh sỏi mật uống thuốc gì?

Người đăng: Gia Đình & Sức Khỏe Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018


Bệnh sỏi mật uống thuốc gì để tống hết sỏi ra ngoài là lo lắng của đa số người bị sỏi mật. Tuy nhiên vì hiện nay có rất nhiều loại thuốc, phương pháp điều trị sỏi khiến người bệnh không biết phải đưa ra lựa chọn. Hiểu được khó khăn của người bị sỏi mật, chúng tôi xin chia sẻ kiến thức cơ bản về thuốc điều trị sỏi mật cũng như các cách chữa bệnh phổ biến hiện nay để bạn có thêm thông tin tham khảo.

Sỏi mật là gì?

Sỏi mật là tích lũy các thành phần mật thành tinh thể sỏi trong túi mật. Kích thước của sỏi mật có thể dao động từ một hạt cát cho đến như một quả bóng bàn. Có người chỉ phát triển 1 vài sỏi, trường hợp khác lại có rất nhiều sỏi mật cùng một lúc. Có nhiều nguyên nhân gây sỏi mật như chế độ ăn uống, chức năng gan mật kém, sử dụng thuốc không đúng cách, giảm cân thiếu khoa học đột ngột,...

Triệu chứng bệnh sỏi mật

Người mắc bệnh sẽ thường xuyên gặp các triệu chứng sỏi mật sau:
- Đau: Người bệnh sỏi mật thường gặp các cơn đau đột ngột đến dữ dội, đau từ vùng hạ sườn phải lan lên vai phải hoặc sau lưng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp các cơn đau âm ỉ hoặc tức nặng ở hạ sườn phải, đau đôi khi ở vùng thượng vị và lan lên ngực.
- Sốt: Do nhiễm khuẩn đường mật, có thể sốt cao, rét run nhưng cũng có khi sốt nhẹ, sốt thường đi kèm với đau, có khi sốt kéo dài.
- Vàng da: Là dấu hiệu sỏi mật trở nên nghiêm trọng, xuất hiện khi tắc mật. Trường hợp chỉ có sỏi túi mật đơn thuần thì không gây vàng da.
- Gan to: Chỉ khi khám bệnh thì mới phát hiện ra. Đây là triệu chứng thường gặp của sỏi mật, mức độ gan to phụ thuộc vào mức độ tắc mật, nếu chỉ bị sỏi túi mật thì không gây gan to. Tắc mật do sỏi trong ống mật chủ có thể xuất hiện túi mật to.
- Triệu chứng khác: người bệnh thường không thích ăn mỡ, hay ợ chua, ợ hơi hoặc đầy bụng. Trường hợp này cần phải loại trừ những bệnh khác cũng có triệu chứng tương tự để chắc chắn đây là triệu chứng liên quan tới sỏi.
Xem thêm: Các dấu hiệu sỏi mật khi mới hình thành

Các biến chứng của bệnh sỏi mật

Viêm túi mật cấp

Là biến chứng xảy ra do viêm nhiễm túi mật bởi sự tắc nghẽn kéo dài ở ống túi mật do sỏi. Triệu chứng điển hình bao gồm sốt và đau vùng bụng trên bên phải kéo dài, tăng lên khi sờ, thở sâu và ho. Số lượng bạch cầu gia tăng nói lên sự hiện diện của viêm hoặc nhiễm trùng túi mật. Nguy hiểm hơn viêm còn gây thủng hoặc vỡ túi mật.

Tắc ruột do sỏi

Khi túi mật thủng sẽ lan tràn vào những cơ quan kế cận như là ruột non, sỏi mật có thể đi qua chỗ thủng để vào ruột non. Nếu viên sỏi lớn, nó có thể gây tắc ruột gọi là tắc ruột do sỏi. Sự tắc ruột làm ngăn cản chức năng bình thường của ruột.

Nhiễm trùng đường mật, nhiễm trùng huyết

Sỏi mật cũng có thể di chuyển từ túi mật vào trong đường mật. Đường mật là một ống dẫn mật từ gan và túi mật vào ruột non. Bệnh nhân bị sỏi trong đường mật có thể không có triệu chứng. Khi sỏi làm tắc nghẽn đường mật lúc đó mới gây ra triệu chứng như: đau bụng dữ dội, vàng da, vàng mắt, nhiễm trùng đường mật, và có thể viêm tụy cấp. Cùng với đau bụng và vàng da, nhiễm trùng đường mật có thể gây ra sốt cao lạnh run, đôi khi nhiễm trùng huyết làm đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Phương pháp điều trị bệnh sỏi mật – Thuốc trị sỏi mật

Có nhiều loại thuốc trị sỏi mật hiệu quả tùy theo loại bệnh sỏi mật mắc phải. Ngoài thuốc chuyên dùng làm tan sỏi, người bị sỏi mật có thể phải điều trị hỗ trợ bằng thuốc giảm cơn đau sỏi mật và kháng sinh. Sỏi mật chia làm 2 loại chính là sỏi túi mật và sỏi đường mật, tùy thuộc vị trí, sỏi đang ở giai đoạn nào, mà bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình chữa trị phù hợp.

Đối với sỏi túi mật:

- Dùng thuốc giúp tan sỏi, bản chất là acid mật áp dụng đối với sỏi cholesterol dưới 1,5cm, tốt nhất với sỏi dưới 5mm, thời gian dùng kéo dài 6-24 tháng.
- Tán sỏi bằng sóng, làm tan sỏi trực tiếp bằng hóa chất.
- Cắt túi mật qua nội soi: dùng với sỏi to, gây đau nhiều hoặc gây viêm túi mật, đây là phương pháp hiện nay thường dùng phổ biến, rút ngắn thời gian nằm viện và hồi phục sức khỏe nhanh.
- Cắt túi mật bằng mổ phanh: áp dụng trong trường hợp mổ nội soi thất bại hoặc viêm mủ túi mật.

Đối với sỏi trong gan và ống mật chủ:

- Lấy sỏi qua nội soi ngược dòng cắt cơ oddi, áp dụng với sỏi ở ống mật chủ, sỏi nhỏ dưới 1,5cm, phương pháp này giúp tránh được phẫu thuật.
- Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng, áp dụng với sỏi to.
- Phẫu thuật để lấy sỏi.

Tùy theo kết quả chẩn đoán bệnh sẽ có phương pháp điều trị sỏi mật phù hợp. Người bệnh cần lưu ý, sỏi mật là bệnh có tỷ lệ tái phát cao, cho nên giai đoạn sau điều trị cũng không được lơ là. Tránh các thực phẩm có thể làm sỏi nặng hơn, ăn ít chất béo nhiều chất xơ, uông nhiều nước, tập thể dục thể thao điều độ là cách chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người bị sỏi mật.
Trên đây là tổng hợp các cách điều trị sỏi mật phổ biến nhất tại Việt Nam. Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này và sử dụng thuốc trị sỏi mật đúng cách.


0 nhận xét

Đăng nhận xét