Chậm có thai và bệnh phụ khoa

Người đăng: Gia Đình & Sức Khỏe Thứ Hai, 5 tháng 4, 2010

Em năm nay 23 tuổi, em lấy chồng được 7 tháng, vợ chồng em quan hệ bình thường. Nhưng đến nay vẫn chưa có thai! Chu kỳ kinh nguyệt của em không đều từ khi còn con gái đến khi lấy chồng cũng không đều và từ khi lấy chồng, sau khi quan hệ, âm đạo của em ra một chất có mùi rất khó chịu.


Xin hỏi Mẹ và Bé, em có bị mắc bệnh gì không và liệu em có bị vô sinh không? (Nga - Hà Nội)

Trả lời:

Chị Nga thân mến,

Mới 7 tháng thì chưa thể kết luận được là vô sinh hay hiếm muộn gì!

Mời chị tham khảo một bài viết về vấn đề này: /Tuvan/2007/6/16/3015.haha

Kinh nguyệt không đều:

Chị nên đến bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân và uống thuốc theo hướng dẫn của các bác sĩ

Chất có mùi khó chịu

Nguyên nhân có thể do chị đã bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục...

alt

Chúng tôi xin cung cấp 1 số thông tin về Bệnh phụ khoa:

Bệnh phụ khoa là bệnh xuất phát từ bộ phận sinh dục nữ, với một triệu chứng chung trong hầu hết các trường hợp là sự biểu hiện của huyết trắng và giới chuyên môn còn gọi là viêm sinh dục nữ. Viêm sinh dục nữ được chia làm hai phần: viêm sinh dục dưới và viêm sinh dục trên.

Viêm sinh dục trên được đánh giá chính xác bởi các y - bác sĩ chuyên ngành và cần kết hợp với các xét nghiệm, dụng cụ, phương tiện chẩn đoán phức tạp hơn. Riêng viêm sinh dục dưới chúng ta có thể nhận biết qua hội chứng tiết dịch âm đạo, tuy nhiên để chẩn đoán chính xác cũng phải cần qua xét nghiệm đơn giản như soi tươi, nhuộm gram. Viêm sinh dục dưới là tình trạng viêm nhiễm ở: âm hộ (bộ phận sinh dục ngoài), âm đạo là phần từ âm hộ đến cổ của dạ con (là phần tiếp xúc trực tiếp khi có quan hệ vợ chồng) và cổ dạ con, thường được gọi là cổ tử cung.

Trong độ tuổi sinh đẻ (hoạt động sinh dục) viêm âm hộ - âm đạo thường do: vi trùng, nấm, trùng roi, lậu. Tùy vi trùng gây bệnh sẽ có những biểu hiện bên ngoài khác nhau.

- Do vi trùng: thường huyết trắng có thể có màu xám, có mùi tanh như mùi cá, nhất là sau khi quan hệ vợ chồng (đường tình dục).

- Do trùng roi: thường lây qua đường tình dục, huyết trắng như mủ, mùi hôi, tiết nhiều kèm theo ngứa âm hộ. Khi điều trị cần phải điều trị cả vợ lẫn chồng.

- Do nấm: phụ nữ thường hay bị nhiễm nhất. Huyết trắng nhiều có khi loãng hay đặc, trắng đục, có cảm giác đau ngay khi không có quan hệ tình dục, nóng rát âm hộ, ngứa, tiểu rát.

- Do lậu: huyết trắng vàng xanh, nhầy mủ từ lổ của cổ tử cung, tiểu khó, tiểu rát. Nếu người mẹ bị mắc bệnh lậu khi mang thai sẽ ảnh hưởng lên trẻ sơ sinh (dễ thấy nhất là gây mủ ở mắt trẻ).

Trong độ tuổi trước dậy thì và sau mãn kinh, viêm âm đạo thường do lậu cầu và vi khuẩn không đặc hiệu. Ở những bé gái viêm âm đạo thường do vật lạ qua ngồi bẹp dưới đất, tiếp xúc bụi rậm, cây cỏ mọc hoang, nguồn nước dơ bẩn ..., do lãi làm ngứa ngáy, gảy gây viêm nhiễm bộ sinh dục ngoài và cả viêm âm đạo bên trong nếu quá trình kéo dài không được phát hiện và chữa trị kịp thời.

Ngoài ra viêm âm hộ, âm đạo thường xảy ra ở một số trường hợp như: thụt rửa âm hộ, âm đạo một cách bừa bãi, thường là dùng những chất sát khuẩn đậm đặc, thuốc rửa vệ sinh phụ nữ pha không đúng nồng độ làm bỏng, khô da (nhất là sử dụng phèn chua)...gây viêm do tác dụng hóa học.

Tuy nhiên không phải bất cứ sự xuất hiện huyết trắng là đều gây bệnh lý cả. Chúng ta cần phân biệt với huyết trắng sinh lý bình thường: thường loãng, có màu trắng đục hoặc trắng trong như lòng trắng trứng sống, thay đổi theo giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt (nhiều lúc giữa kỳ kinh và một tuần trước kinh), nhưng không quá nhiều và không gây những chứng khó chịu. Đặc biệt huyết trắng sinh lý xuất hiện trong vài ngày, không gây viêm nhiễm như các trường hợp trình bày trên. Các chị em phụ nữ chỉ cần tắm rửa, giữ vệ sinh hàng ngày và thay quần lót. Điều quan trọng nhất đối với chị em phụ nữ là nhận biết những bất thường để kịp thời đi khám bệnh tại các cơ sở y tế tin cậy, có đầy đủ phương tiện chẩn đoán chính xác và được điều trị đúng cách tránh tốn kém và tái đi tái lại nhiều lần. Chị em phụ nữ cần lưu ý, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc chữa bệnh qua: sự mách bảo chuyền miệng, toa thuốc chuyền tay vì có thể không thật sự đúng với chứng bệnh của chính mình. Một điều quan trọng nữa là chị em phụ nữ khi mắc các bệnh phụ khoa cần tuân thủ đúng sự hướng dẫn điều trị của người thầy thuốc và trở lại tái khám đúng theo qui định để việc chữa trị tốt hơn.

Mong chị sớm đến chuyên khoa để khám và nhận sự tư vấn của các bác sĩ trực tiếp!

Chúc chị mạnh khỏe và hạnh phúc!

Thực hiện Kỳ Sơn


0 nhận xét

Đăng nhận xét