Cảnh báo bệnh ung thư ở trẻ em

Người đăng: Gia Đình & Sức Khỏe Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Ở các nước phát triển, bệnh ung thư là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em dưới 14 tuổi. Trên thế giới, mỗi năm có thêm 160.000 trẻ bị ung thư và khoảng 90.000 trẻ chết do ung thư.

Tìm hiểu thêm

  • Nguyên nhân, phòng ngừa và chữa trị ung thư trẻ em

Kết quả nghiên cứu trên 5 tỉnh, thành tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh ung thư trẻ em chiếm khoảng 1,63% trong tổng số các ung thư. Mô hình bệnh ung thư trẻ em có chiều hướng giống với thế giới.

Ung thư trẻ em là gì?

Ung thư là bệnh lý ác tính của tế bào, có thể gặp ở mọi cơ quan trong cơ thể, xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ mới sinh có thể do đột biến gen từ lúc bào thai.

Đa số bệnh ung thư hình thành các khối u, ở giai đoạn sớm u hình thành chưa rõ. Trong quá trình phát triển khối u, các tế bào ác tính có khả năng di căn tới các hạch bạch huyết hoặc các tạng ở xa hình thành các khối u mới.

Nhiều dạng ung thư ở trẻ em khác với ung thư ở người lớn về điều trị và kết quả sống thêm. Hiểu biết về bệnh ung thư ở trẻ em là điều cần thiết để giúp cho việc phát hiện bệnh sớm.

Những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư ở trẻ em

1. Sốt kéo dài và có khuynh hướng bầm hay chảy máu dưới da

2. Xanh xao, thiếu máu, mệt mỏi, sút cân nhanh không rõ nguyên nhân

3. Có khối u hay một chỗ sưng bất thường ở bất kỳ vị trí nào (hạch ở cổ, chung quanh mắt, vai, đầu gối…), bụng to khi chạm tay vào.

4. Đau xương, khớp kéo dài và đi khập khiễng; đau sưng đầu gối, vùng gần gối.

5. Đau nhức đầu thường xuyên và có nôn ói vào buổi sáng; uống thuốc vào thấy khoẻ nhưng không uống thì đau.

6. Mắt nhìn kém bất ngờ hoặc một đốm trắng xuất hiện ở tròng đen của mắt (như mắt mèo).

7. Sụt cân, bụng lớn; sờ thấy cục to trong bụng.

8. Thay đổi đột ngột khả năng thăng bằng hoặc thay đổi đột ngột hành vi.

Các loại ung thư thường gặp ở trẻ

1. Bệnh bạch cầu cấp

Bạch cầu cấp có tên gọi thông thường là bệnh ung thư máu cấp. Đây là loại bệnh ung thư thường gặp nhất và chiếm 33,4% các dạng ung thư trẻ em. Độ tuổi mắc bệnh hay gặp là từ 2- 5 tuổi và trẻ trai có tỉ lệ mắc bệnh nhiều hơn bé gái một ít.

Một số dấu hiệu cảnh báo bạch cầu cấp ở trẻ em:

- Sốt cao 38,5oC, kéo dài bất thường và tái đi tái lại.

- Da xanh xao, mệt mỏi, biếng ăn.

- Sốt và đau chân, sưng khớp gối tái đi tái lại.

- Có nốt bầm dưới da hoặc chảy máu mũi, miệng bất thường.

- Sốt kéo dài và nổi hạch cổ.

2. Bệnh ung thư thận

Gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 3-4. Khoảng 1-2% trường hợp có tính chất gia đình (ở thể di truyền, bệnh xuất hiện sớm hơn).

- Thường kết hợp với nhiều dị tật bẩm sinh như: dị tật tiết niệu (4,5%), tật không mống mắt (2%), phì đại nửa người (3%). Do đó, những trẻ có các dị tật trên cần được theo dõi cho tới 6 tuổi mới có thể yên tâm về nguy cơ ung thư thận. Có khối u ở bụng kèm theo rối loạn tiêu hóa, toàn thân suy sụp nhanh, đôi khi kèm theo sốt.

- U bụng to nhưng có dấu hiệu chạm thận (đặt bàn tay vào hố thắt lưng thì có cảm giác như cả một khối to đè nặng lên bàn tay) và bập bềnh thận (đẩy bàn tay từ dưới lên thì khối u sẽ đụng vào bàn tay đặt phía trước bụng). Dùng cả 2 bàn tay thăm khám phía trước, phía sau khối u thì thấy u tròn, chắc, bờ đều.

- Đái máu toàn bãi, viêm đường tiết niệu, giãn tĩnh mạch thừng tinh; tăng huyết áp.

3. Ung thư hạch hay bệnh u lymphô ác tính không Hodgkin

Thường gặp độ tuổi từ 7 - 11, Do các tế bào lymphô tập trung nhiều tại các hạch bạch huyết nên triệu chứng tại hạch thường gặp và rõ ràng nhất.

Tại hạch: Hạch càng ngày càng to ra, lúc đầu chỉ có thể một hạch sau lan ra một hay nhiều nhóm hạch, cuối cùng là hạch toàn thân. Hạch lúc đầu không đau hoặc chỉ đau nhẹ, càng về sau người bệnh có thể đau nhức nhiều do tế bào ung thư xâm lấn các tổ chức xung quanh. Hạch to thường dễ phát hiện nếu là hạch cổ, hạch nách, hạch bẹn.

Ngoài hạch : Nếu U lymphô xuất hiện ngoài hạch như ở dạ dày thì sẽ có triệu chứng như viêm lóet dạ dày, xuất huyết tiêu hóa (đi cầu phân đen), ở vùng bụng thì có triệu chứng đau vùng bụng, đau lưng.

Bệnh thường kèm theo các triệu chứng toàn thân như: sốt kéo dài nhưng không có dấu hiệu nhiễm trùng, đổ mồ hôi ban đêm, sụt cân hơn 10% trọng lượng cơ thể trong vòng 6 tháng.

4. Bệnh Hodgkin:

Bệnh phần lớn tấn công trẻ nhỏ (trên 3 tuổi) và thanh thiếu niên. Bệnh Hodgkin là một dạng ung thư mô bạch huyết, gây sưng hạch ở cổ, nách, háng, ngực..., kèm theo các triệu chứng như Sốt kéo dài, Yếu mệt, sụt cân dù việc ăn uống vẫn bình thường, ho hoặc khó thở, có thể có ngứa ngáy ngoài da ra mồ hôi ban đêm.

Hạch vùng cổ thấp không đau chiếm 60-90% các trường hợp; gan to, lách to ít gặp; có thể có hội chứng B.

Tuy nhiên ở trẻ em có hạch nhỏ thường là viêm. Định hướng bệnh khi các hạch có kích thước lớn.

5. U nguyên bào thần kinh

U nguyên bào thần kinh ở trẻ em thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ở một số trẻ em, u nguyên bào thần kinh có thể xuất hiện ở mô thần kinh ở vùng cổ, ngực hoặc xung quanh tuỷ sống.

Những triệu chứng đầu tiên thường là mơ hồ, ví dụ như mất cảm giác ăn ngon miệng, mệt mỏi và đau nhức trong các xương. Những triệu chứng khác phụ thuộc vào nơi u nguyên bào thần kinh bắt đầu phát triển:

- Nếu như khối u ở trong vùng bụng, bụng của bệnh nhi có thể bị sưng phồng lên và chúng có thể biểu hiện táo bón hoặc khó đi tiểu. Đôi khi, huyết áp của bệnh nhi bị cao.

- Nếu như khối u ảnh hưởng đến vùng ngực, bệnh nhi có thể bị khó thở và khó nuốt.

- Nếu khối u xuất hiện ở cổ thì có thể nhìn thấy được như là một cục u, cũng ảnh hưởng đến việc thở và nuốt.

- Đôi khi, trẻ em có thể thấy chân mình yếu và đi không vững nếu như khối u đè ép lên tuỷ sống.

- Rất hiếm khi trẻ em có thể bị mắt và cơ giật giật kết hợp với u nguyên bào thần kinh.

U nguyên bào võng mạc : Hay gặp dưới 3 tuổi; điểm trắng ở mắt, thấy rõ khi mắt chuyển động; muộn hơn có lác mắt; u nguyên bào thận; đái máu thường gặp; cao huyết áp; u ổ bụng; tuổi dưới 5.

U xương: Đau nhức trong xương; nổi gồ trên mặt da bờ không rõ, không đau; thường gặp ở độ 12-16 tuổi.

6. Sacôm cơ vân: là sacôm mô mềm phổ biến nhất ở trẻ em, thường gặp dưới 6 tuổi và tuổi dậy thì.

Sacôm mô mềm thường xuất hiện như một cục hoặc một khối, nhưng hiếm khi chúng gây đau, sưng, hoặc các triệu chứng khác. Một cục hay một khối có thể không phải là một sacôm, nó có thể là lành tính (không ung thư), một loại khác của ung thư hoặc một bệnh khác. Điều quan trọng là phải đi khám bệnh khi có một thay đổi bất kỳ trên cơ thể, chẳng hạn như một cục hay một khối xuất hiện, vì chỉ có bác sĩ mới có thể chẩn đoán.

Dấu hiệu theo định khu: u hố mắt: lồi mắt, phù kết mạc hoặc có u mí mắt, kết mạc; u vùng mũi họng gây giọng mũi, sổ mũi, viêm tắc xoang; khối rắn vùng cổ.

0 nhận xét

Đăng nhận xét