Chứng sợ hãi ở trẻ

Người đăng: Gia Đình & Sức Khỏe Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Sợ hãi là hiện tượng thường thấy và tự nhiên trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Phần lớn, nỗi sợ của trẻ ở mức độ nhẹ và tự đến, tự mất đi ở các lứa tuổi khác nhau. Trẻ có thể học cách đối phó với nỗi sợ hãi nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ.

Sợ hãi là gì?

Sợ hãi thường xảy ra khi trẻ lo lắng điều gì đó tồi tệ có thể xảy đến. Sợ hãi bao gồm các thay đổi trong cơ thể như: nhịp tim đập nhanh, thở gấp, ra mồ hôi và run tay chân. Khi trẻ sợ cái gì đó, chúng có thể la hét, khóc lóc hoặc chạy đến chỗ cha mẹ để dược trấn an. Phản ứng thông thường với những cảm giác mạnh mẽ và khó chịu này, trẻ bắt đầu tránh những gì gây nên những nỗi sợ hãi đó.

Trẻ thường sợ những gì?

- Bị xe ôtô đâm.

- Không thở được.

- Lửa hoặc bị bỏng.

- Bị cô giáo phạt và bắt đến phòng hiệu trưởng.

- Ngã từ trên cao xuống.

- Kẻ trộm vào nhà.

- Các con vật không yêu thích.

- Bị lạc vào nơi xa lạ.

- Thất bại và bị phê bình.

- Bị cô đơn.

- Bóng tối.

- Sấm và sét.

- Những người xấu.

- Những câu chuyện khủng khiếp qua thông tin đại chúng.

- Bị tách rời khỏi cha mẹ.

- Những nhân vật không có thực (như quỷ, ma, phù thuỷ...)

Cùng với sự lớn lên của trẻ, những nỗi sợ hãi xã hội như: sợ bị phê bình, xấu hổ và tẩy chay trở lên phổ biến hơn và nỗi sợ bị tổn thương về thể chất dần giảm đi. Một vài nỗi sợ thực tế như: sợ độ sâu của nước, điện giật hoặc chó dại... Những nỗi sợ này giữ cho trẻ được an toàn. Nhưng, nếu nỗi sợ trở nên quá mạnh mẽ và số lượng nỗi sợ không phù hợp với nguy hiểm thực tế, gây cản trở cho những hoạt động bình thường của trẻ thì được gọi là sự ám ảnh.

Nếu con bạn có nhiều nỗi sợ, làm cản trở các hoạt động thường ngày của bé thì hãy tìm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.

Nguyên nhân tạo nên nỗi sợ của trẻ

Một số trẻ có nhiều nỗi sợ hãi hơn các trẻ bình thường khác. Khi mới sinh, những trẻ này thường phản ứng lại bằng sự khó chịu, sợ sệt khi tới gần người lạ hoặc có thay đổi đột xuất và cả những tiếng ồn. Các trẻ này có xu hướng sợ các tình huống và những vật thể, chúng coi đó là những điều khủng khiếp trong cuộc sống.

Một số nỗi sợ được trẻ học qua sự trải nghiệm của bản thân. Ví dụ, khi đang đi bộ trên đường thì trẻ nhìn thấy con chó lao tới, sủa lớn. Điều này gây nên chứng sợ chó ở trẻ và sợ ngay cả chính con đường quen thuộc mà trẻ thường đi.

Nỗi sợ cũng có thể đến từ việc nhìn thấy người khác sợ. Ví dụ, nếu trẻ nhìn thấy ai đó hét toáng lên khi thấy con nhện, con gián, con rắn... thì đứa trẻ đó có thể bắt đầu sợ nhện và gián... Thực tế cho thấy, nhiều đứa trẻ sợ những gì mà cha mẹ chúng sợ.

Nỗi sợ cũng có thể xuất hiện khi trẻ tưởng tượng ra một cách ngẫu nhiên. Ví dụ, trẻ tỏ ra sợ hãi khi đèn ngủ bị tắt. Khi bật đèn lên, gây nên sự chú ý đặc biệt ở trẻ và tỏ ra sợ hãi bóng tối.

Mỗi trẻ có sự trải nghiệm khác nhau nên các phản ứng về sợ hãi của các trẻ cũng khác nhau. Vì thế, cùng một vấn đề, nhưng có trẻ sợ và trẻ khác lại không sợ. Đối với các trẻ, chúng ta cần khích lệ để chúng có thể đối phó với những nỗi sợ hãi, gây cản trở những hoạt động thường ngày của trẻ.

0 nhận xét

Đăng nhận xét