Vệ sinh cho bé mới chào đời

Người đăng: Gia Đình & Sức Khỏe Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

Bé yêu của bạn cần phải được vệ sinh một cách khoa học ngay sau khi chào đời. Những bước vệ sinh cơ bản cho bé bao gồm: Vệ sinh mũi, họng, tai; chăm sóc rốn; chăm sóc mắt, da; vệ sinh đầu; vệ sinh bộ phận sinh dục; vệ sinh móng tay, móng chân.

Vệ sinh mũi, họng, tai

Ngay sau khi sinh, nhân viên y tế sẽ phụ trách chăm sóc cho bé. Mũi, họng của bé sẽ được thông chất đờm, rãi để đảm bảo đường thở được giải phóng. Nếu trẻ vẫn gặp khó khăn khi thở bằng mũi, cần phải tiếp tục thông và kiểm tra kỹ xem hốc mũi, hố mũi phía sau đã được mở chưa. Lúc này, trẻ bắt đầu khó chịu khi người ta dùng tăm bông ngoáy vào tai, mũi, miệng để sát trùng.

Bên trong tai và mũi bé tự nó đã sạch, bạn không cần làm sạch thêm bằng cách đưa gạc vào bên trong để lau. Nếu cần, hãy lau nước mũi và ráy tai trông thấy được, chú ý nên thật nhẹ nhàng.

Chăm sóc vùng rốn

Phải cắt dây rốn cách rốn vài cm, sau đó người ta sẽ sát trùng bằng cồn i-ốt và băng tất cả bằng gạc sát trùng. Có thể dùng băng gạc hay băng dính nhẹ để cố định.

Sau khi dây rốn được cắt, chúng ta phải luôn giữ cho vùng quanh rốn được khô ráo và thông thoáng, tránh nhiễm trùng. Có thể bôi cồn lên cuống rốn mỗi khi thay tã. Nếu để rốn ẩm ướt trong thời gian dài, ra máu hoặc có dịch tiết ra nên đến bệnh viện khám.

Tránh cấu hay giật núm rốn ra, mà nên để tự nó rụng ra.

Chăm sóc mắt, da

Sau khi sinh, có thể nhỏ cho bé một, hai giọt thuốc kháng sinh tra mắt để tránh nhiễm trùng.

Những ngày đầu mới sinh, mắt bé thường hơi sưng và đỏ, đây là chuyện bình thường do áp lực lúc sinh. Nó sẽ hết sau vài tuần. Lúc đầu các cơ mắt của bé còn rất yếu nên trông bé có vẻ hơi lác (lé), sau một tháng chúng mới hoạt động bình thường.

Da

Khi sinh ra, da được bao phủ một lớp màu vàng nhạt, giúp bảo vệ da và đóng thành từng lớp, đó là chất gây. Không được lau rửa, hay kỳ cọ, vì nó mang lại cho bé sự thư giãn, thanh thản. Nó sẽ hết sau vài ngày.

Trẻ sơ sinh đôi khi có nhiều lông. Có thể thấy lớp lông tơ mịn ở hai bên má, trên trán, sau lưng, trên đùi hay trên vai, chúng sẽ rụng sau vài ngày.

Khuôn mặt hơi xanh và nhất là ở trán, tai, cằm có thể là do sự cọ sát trong quá trình chui ra qua đường âm đạo. Hiện tượng đó cũng sẽ hết sau một vài ngày và bạn cũng không cần phải quá lo lắng. Điều đó thường chỉ xuất hiện ở những trẻ có trọng lượng lớn khi sinh.

Nhiều đứa trẻ sơ sinh (khoảng 20-40%) xuất hiện những hạt nhỏ màu trắng, nhiều hay ít trên da, trên mũi, má đôi khi trên trán, cằm, trông như những hạt kê. Đó là những bã nhờn nhỏ, sẽ tự biến mất sau một vài tuần mà không cần sự điều trị nào.

Một số trẻ sơ sinh xuất hiện nốt ban đỏ khắp cơ thể hay trên một số bộ phận mà nguyên nhân thường khó xác định. Biểu hiện này cũng tự biến mất sau hai, ba ngày. Bạn cũng có thể nhận thấy một vài vết u mạch trên cơ thể bé lúc mới sinh.

Đối với những trẻ sinh già tháng, lớp gây đã biến mất, đứa trẻ bị tróc da, móng tay dài và nhăn nheo. Sự bong da, tuỳ theo từng trường hợp là hoàn toàn bình thường và sẽ hết sau vài ngày.

Trẻ sơ sinh có xu hướng dễ bị lạnh và kéo theo việc chân tay trở nên tím tái. Đó là một trong những lý do phải bế bé ngay để bé được sưởi ấm.

Mấy ngày đầu sau sinh, không cần phải tắm cho bé mà chỉ cần lau, rửa phần trên và phần dưới cho bé. Không được lau, rửa quá lâu, chỉ nên từ 5-10 phút để tránh cho bé khỏi lạnh. Sau đó phải được thấm khô bằng khăn bông ấm, nâng niu và mặc quần áo, bé lại được đưa cho mẹ ôm ấp.

Bộ phận sinh dục

Bộ phận sinh dục và hai đầu vú của bé trai và gái mở lớn và có chút nước chảy ra, đó là do kích thích tố của người mẹ còn lưu lại trong dòng máu của bé. Vài ngày sau sinh, những ảnh hưởng này sẽ hết.

Cần vệ sinh thật cẩn thận vùng sinh dục của bé bằng một miếng bông gòn, nhẹ nhàng làm sạch phần ngoài. Tránh không rửa quá sâu bên trong.

Đầu bé

Trên đỉnh đầu bé còn có một vùng mềm gọi là thóp, do xương sọ chưa hoàn toàn liên kết với nhau. Chúng sẽ hợp nhất lại sau hai hay ba năm. Những phần mềm đó được che đậy bằng lớp màng mà bạn cần cẩn thận đừng ấn vào đó. Nếu thấy phần thóp này phồng lên hay cứng, bạn nên đưa bé đi khám.

Một số bé khi sinh ra đã có nhiều tóc, nhưng cũng có nhiều bé sinh ra đã không có tóc. Tóc này sẽ rụng dần trong vài tháng, thay bằng một lớp tóc mới có màu riêng.

Sau mỗi lần lau rửa cho bé, bạn nhớ dùng bông thấm khô vùng cổ và những kẽ trên phần đầu của bé.

Việc gội đầu chỉ nên thực hiện một tuần/lần. Dùng dầu gội cho trẻ để gội, sau đó lau khô hay nhẹ nhàng chải, nếu trên đầu trẻ có vảy chốc.

Móng tay, móng chân

Móng tay, móng chân của bé mọc rất nhanh, nếu không cắt có thể làm xước da bé khi giãy đạp hay múa máy chân tay. Bạn nên thường xuyên cắt bằng dụng cụ riêng của bé. Nếu bé uốn éo khó cắt thì hãy đợi khi ngủ, hoặc nhờ ai giữ nhẹ rồi hãy cắt.

0 nhận xét

Đăng nhận xét