Sứt môi và hở vòm miệng ở trẻ (phần 1): tổng quan, nguyên nhân và chẩn đoán

Người đăng: Gia Đình & Sức Khỏe Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Mangthai.vn Sứt môi và hở vòm miệng (hay còn gọi là hở hàm ếch) xảy khi ra giữa hai môi của trẻ hoặc giữa môi và vòm miệng trẻ có một khoảng cách. Nguyên nhân là do sự phát triển không đầy đủ của quá trình hình thành bào thai.

Tổng quan về sứt môi và hở vòm miệng

Tìm hiểu thêm

  • Sứt môi và hở vòm miệng ở trẻ (phần 2): các vấn đề liên quan
  • Sứt môi và hở vòm miệng ở trẻ (phần 3): điều trị bệnh

Môi trên của bé phát triển vào khoảng tuần thứ 5 của thai kỳ và từ khoảng tuần thứ 8 đến 12, vòm miệng phát triển từ các mô ở hai bên của lưỡi. Thông thường những mô này phát triển cùng nhau và nối liền với nhau ở giữa.

Sứt môi và hở hàm ếch xảy ra khi các mô của môi và vòm miệng của thai nhi không phát triển cùng với sự phát triển của thai kỳ. Trẻ bị sứt môi và hở hàm ếch thường không có đủ mô ở miệng, và mô này không kết hợp với nhau thích hợp để hình thành vòm miệng.

Sứt môi là dị hình bẩm sinh có một khe nứt ở một bên hay cả hai bên đường giữa môi trên. Điều này xảy ra khi 3 khối mô bào thai tạo thành môi trên không liền lạc được với nhau và thường kết hợp với khe vòm miệng.

Hở hàm ếch là khe hở giữa vòm miệng và khoang mũi. Một số trẻ mắc bệnh này hở cả bộ phận trước và bộ phận phía sau của vòm miệng, trong khi các trẻ khác chỉ bị hở một phần.

Thường có 3 dạng khác nhau của sứt môi và hở hàm ếch:

- Sứt môi mà không bị hở hàm ếch

- Hở hàm ếch mà không sứt môi

- Sứt môi và hở hàm ếch.

Hiện tượng hở này có thể xảy ra ở một bên của miệng (hở một bên) hoặc cả hai bên miệng.

Do đây là căn bệnh gây ra các dấu hiệu đặc biệt có thể nhìn thấy được nên nó rất dễ chẩn đoán. Căn bệnh này có thể được phát hiện bằng siêu âm trước khi sinh. Nếu hở môi hay hàm ếch không được phát hiện trước khi trẻ được sinh ra thì nó cũng được nhận dạng ngay sau khi sinh.

Nguyên nhân sứt môi và hở vòm miệng

Sứt môi và hở vòm miệng thường được gây ra bởi sự kết hợp của yếu tố di truyền và các yếu tố khác. Những đứa trẻ sinh ra trong gia đình mà thế hệ trước có người mắc bệnh thường dễ mắc bệnh hơn. Số trẻ trai bị sứt môi nhiều hơn số trẻ gái, trong khi có nhiều trẻ gái bị hở hàm ếch hơn so với trẻ trai.

Kết quả dự đoán trẻ bị sứt môi hoặc hở hàm ếch trong giai đoạn thai nhi của các bác sỹ có thể không đáng tin cậy. Nhưng những trường hợp mang thai sau đây có thể có nguy cơ cao đối với bệnh sứt môi và hở hàm ếch ở trẻ:

• Bị nhiễm trùng

• Hút thuốc hoặc uống rượu

• Không đủ axit folic

• Do việc sử dụng một số loại thuốc trong thời gian mang thai như một số loại thuốc chống động kinh, thuốc an thần có chứa steroids và các benzodiazepine. Vì vậy bạn nên xin ý kiến bác sỹ nếu sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào trong thai kỳ.

Thỉnh thoảng, trẻ có thể bị chứng sứt môi, hở vòm miệng kết hợp với các khuyết tật khác.

Chẩn đoán sứt môi và hở vòm miệng

Nếu trẻ bị sứt môi, thường vào khoảng tuần thứ 18 đến 20 của thai kỳ qua siêu âm bác sỹ sẽ nhìn thấy môi bị sứt. Nếu sau khi kiểm tra và siêu âm nhiều lần bác sỹ có kết luận chính xác là trẻ bị sứt môi thì các bác sỹ sẽ có tư vấn cần thiết cho bạn. Đối với hở hàm ếch thường chỉ được nhận thấy khi bé được sinh ra vì siêu âm thường không thấy được.

0 nhận xét

Đăng nhận xét