Xử trí một số cơn ho kéo dài thường gặp

Người đăng: Gia Đình & Sức Khỏe Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Ho là một phản xạ quan trọng để bảo vệ đường hô hấp bằng cách tống xuất các chất tiết, dị vật, vi sinh vật... ra khỏi đường hô hấp. Nhiều trường hợp ho kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng đến nhiều năm làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân, trở ngại công việc và giao tiếp nơi công cộng, làm xáo trộn giấc ngủ, đau ngực, són tiểu, gãy xương sườn, thậm chí ngất. Dưới đây là những biện pháp giúp xử trí một số cơn ho kéo dài thường gặp.

 Xử trí một số cơn ho kéo dài thường gặp

1.Hội chứng chảy mũi sau:

Rất nhiều bệnh như viêm mũi vận mạch, viêm mũi dị ứng, polyp mũi và viêm xoang mạn gây ra hội chứng chảy mũi sau. Bệnh nhân thường có cảm giác ngứa họng hoặc chảy dịch ở thành sau họng. Điều trị với kháng histamin và thuốc corticosteroid dạng xịt mũi.

2.Hen suyễn:

Bệnh nhân thường có triệu chứng ho, khó thở, khò khè, nặng ngực. Các triệu chứng này có xu hướng nặng hơn vào ban đêm hoặc sáng sớm. Đo hô hấp ký có hội chứng tắc nghẽn đường hô hấp có hồi phục. Tuy nhiên, trong hen dạng ho - một thể đặc biệt của hen suyễn, triệu chứng chủ yếu là ho khan và thường ho về đêm nên rất dễ chẩn đoán nhầm thành bệnh khác.

3.Trào ngược dạ dày - thực quản:

Đây là bệnh lý khá phổ biến, với triệu chứng nóng rát sau xương ức, ợ chua, đầy hơi. Nhiều trường hợp không có triệu chứng điển hình của trào ngược mà chỉ biểu hiện bằng ho kéo dài. Nếu đây là nguyên nhân duy nhất gây ho, điều trị chống trào ngược tích cực có thể cải thiện hầu như các trường hợp. Điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton, thuốc đối kháng H2. Nằm đầu cao, tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, chocolate, rượu bia, ngưng hút thuốc lá, không ăn no gần giờ ngủ,...

4.Thuốc lá:

Người hút thuốc lá khi bị ho thường cho là "ho do thuốc lá" nhưng nếu có một sự thay đổi trong kiểu ho như ho nhiều hơn, lâu hơn, ho đàm nhiều hơn, ho đàm có vướng máu... hãy coi chừng là dấu hiệu của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc ung thư phổi. Tốt nhất đừng hút thuốc lá, còn nếu đã hút thì nên ngưng càng sớm càng tốt. Khi ngưng hút thuốc, chứng ho sẽ giảm và thường chấm dứt trong vòng một tháng.

5.Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm viêm phế quản mạn tính và khí phế thủng, có thể là nguyên nhân gây ho dai dẳng. Bệnh diễn tiến âm thầm, hơn 50% bệnh nhân không biết mình mắc bệnh cho đến khi xuất hiện các triệu chứng trầm trọng như khó thở. Để chẩn đoán cần chụp X-quang phổi và đo hô hấp ký.

6.Ho sau nhiễm trùng - nhiễm siêu vi đường hô hấp:

Bệnh nhân sẽ khỏi hoàn toàn trong vòng ba tuần. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân có hiện tượng tăng phản ứng phế quản có thể gây ra ho dai dẳng. Điều trị với thuốc giãn phế quản và corticosteroid đường hít hoặc uống.

7.Ho do thuốc ức chế men chuyển:

Thuốc ức chế men chuyển dùng điều trị tăng huyết áp, suy tim, nhồi máu cơ tim. Khoảng 10 - 20% bệnh nhân dùng các thuốc nhóm này bị ho. Bệnh nhân thường có cảm giác ngứa họng, ho khan, thường nặng hơn vào ban đêm. Khi ngưng thuốc ức chế men chuyển, ho thường giảm trong vòng một đến bốn tuần nhưng cũng có thể kéo dài đến ba tháng.

8.Ô nhiễm không khí:

Các chất ô nhiễm và chất kích thích trong không khí có thể gây ho dai dẳng. Thậm chí, tiếp xúc ngắn hạn với khói xăng dầu đủ gây ho, tiết đàm và kích thích phổi. Hít phải bào tử nấm mốc, phấn hoa, bụi, lông thú nuôi... trong môi trường cũng có thể gây ho.

ThS.BS Lê Thị Thu Hương

0 nhận xét

Đăng nhận xét