Khỏi suy thận nhờ tập luyện dưỡng sinh

Người đăng: Gia Đình & Sức Khỏe Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Bị nhiều bệnh như viêm xoang, suy thận, thoái hóa đốt sống, đau khớp... hành hạ khiến bà Bùi Thị Kim Kỳ, 72 tuổi (số nhà 35 ngách 101 Thanh Nhàn, Hà Nội) phải nghỉ hưu trước tuổi. Vậy mà nhờ tập luyện dưỡng sinh, bà đã không phải dùng thuốc, khoẻ mạnh, điều khiển xe máy còn nhanh hơn thời trẻ.

Bà Kỳ tâm sự, từ trẻ bà đã mắc nhiều bệnh trầm trọng như viêm xoang mạn tính, tuần nào cũng phải đến bệnh viện hai lần để điều trị. Bác sĩ bắt phải mổ để nạo vét nhưng bà sợ không làm. Nhưng đó vẫn là bệnh nhỏ, bệnh chính của bà là suy thận trái, thoái hóa đốt sống cổ, thắt lưng, sưng đau xương khớp và huyết áp thấp... Đi làm nhưng suốt ngày bà phải nằm viện, chẳng ngồi được, lưng gù, cổ rụt, lên xuống cầu thang phải đu từng bậc, đi đường bằng cũng phải chống gậy... Sức khoẻ quá yếu, nên bà đã được nghỉ hưu trước kỳ hạn 1 năm.

Khỏi suy thận nhờ tập luyện dưỡng sinh

Về nhà, được nghỉ ngơi nhưng bệnh cũng chẳng để bà yên. Huyết áp thấp 90/65mmHg nên bà càng yếu mệt. Thuốc uống đều nhưng bệnh vẫn ngày một nặng. Thận suy đã ở giai đoạn muộn, đau suốt và biến chứng không tiểu được, buộc phải cấp cứu. Chạy thận nhân tạo được một lần, đau đớn, mệt mỏi... khiến bà sợ hãi bỏ điều trị. Từ đấy bà bắt đầu tham gia học đủ loại dưỡng sinh như nhân điện, cảm xạ... Tập luyện vài năm, các bệnh xương khớp, cột sống, xoang, đỡ nhiều nhưng không dứt hẳn.

Bà tiếp tục tìm đến với khí công, tập luyện kiên trì, sau khoảng 1 năm thì xoang không còn hành hạ bà nữa, xương khớp đỡ hẳn, đi lại nhanh nhẹn, lên xuống cầu thang khoẻ như bình thường, huyết áp ổn định 136/90. Ngạc nhiên nhất là dần dần thận của bà hết hẳn đau, gần đây đi khám bác sĩ kết luận ổn định.

Bà Kỳ cho biết, tập luyện dưỡng sinh nhất là khí công không hề đơn giản, phải chuyên tâm "tu luyện". Lúc đầu bà không theo nổi một động tác chứ đừng nói gì đến việc phối hợp động tác với nhịp thở, đưa khí đến chỗ bị bệnh. "Nói thật, nếu thầy không "nghiêm khắc" và động viên chắc tôi bỏ cuộc. Nhưng càng tập, càng khoẻ. Sáng tập khoảng 1 - 2h, chiều thiền 1 tiếng, sau hơn 10 năm luyện tập giờ tôi chẳng thấy bệnh tật gì nữa, đặc biệt thần kinh ổn định và tinh nhanh hơn cả thời trẻ", bà Kỳ cho biết thêm.

Thúy Nga

    BS.VS Nguyễn Văn Thắng, chủ nhiệm CLB Khí công Thăng Long võ đạo cho biết, khí công là luyện công pháp kết hợp giữa luyện thở, luyện tâm và luyện thân để thu nhận năng lượng vũ trụ giúp khí huyết trong cơ thể lưu thông, cường kiện nội tạng. Bệnh thận là một bệnh lý phức tạp nên có nhiều công pháp trị liệu, đòi hỏi phải hướng dẫn trực tiếp và bệnh nhân kiên trì luyện tập.

    Thực tế, qua lớp học khí công do Bệnh viện Thanh Nhàn tổ chức, nhiều bệnh nhân bị bệnh thận được hướng dẫn tập các bài khí công đặc trị - tập ba công năng để án hỏa, đã cải thiện được tình trạng bệnh sau vài tháng tập luyện.

0 nhận xét

Đăng nhận xét