Nên cạo gió, đánh gió như thế nào cho đúng?

Người đăng: Gia Đình & Sức Khỏe Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Cạo gió, đánh gió là một vài cách chữa bệnh dân gian khi người bệnh cảm thấy cơ thể khó chịu, mệt mỏi. Dù là động tác khá đơn giản, nhưng khi nào cần được cạo gió, vị trí trên cơ thể được tác động... là những điều cần đặc biệt quan tâm.

Cạo gió

Dụng cụ cạo gió thường là vật dụng bằng bạc có cạnh tròn nhẵn nhụi như nhẫn bạc, vòng bạc, muỗng bạc, đồng bạc trắng... Ngoài ra còn có dụng cụ cạo gió làm bằng sừng trâu (theo Đông y, sừng trâu có thể phát tán chướng khí, thông khí huyết).

Người bệnh ngồi hoặc nằm sấp nơi kín gió, bộc lộ vùng muốn cạo.

Xoa dầu (thường dùng dầu cù là) vào nơi cần cạo. Cầm thẳng vật để cạo gió, vì cầm nghiêng rất dễ làm vỡ mạch máu nhỏ.

cao gio 1 Nên cạo gió, đánh gió như thế nào cho đúng?

Vùng cạo:

- Vùng cổ gáy: dọc hai bên cổ gáy.

- Vùng lưng: dọc hai bên cột sống.

- Vùng vai: từ cổ đến vai.

- Ở tay: dọc cánh tay.

Cạo xong, người bệnh cần mặc đồ kín, ấm, nghỉ ngơi, tránh ra gió, uống nước ấm, có thể đắp mền để cơ thể toát mồ hôi.

Cần cạo đến khi da đỏ ửng, người bệnh cảm thấy nóng ấm, dễ chịu là được. Không được cạo làm xước da hoặc xuất huyết dưới da gây đau đớn cho bệnh nhân, rát bỏng nhiều ngày sau.

Thông thường thì người ta cảm thấy nhẹ nhõm, các triệu chứng mệt mỏi giảm sau khi cạo gió.

Nhiều người thường có khuynh hướng cạo cho đến khi da đỏ bầm, đây là cách làm chưa đúng, cần phải tránh.

Đánh gió

cao gio 2 Nên cạo gió, đánh gió như thế nào cho đúng?

Dùng cám gạo, gừng tươi hoặc lá ngải cứu tươi để đánh gió.

- Củ gừng tươi: Giã nhỏ một đầu củ gừng và cầm củ gừng để chà xát lên da.

- Lá ngải cứu tươi: Xào lá ngải cứu cho nóng, đổ vào một ít rượu. Cho tất cả vào khăn, cột chặt lại và dùng để xát lên nơi cần đánh gió (nên thử cho độ nóng vừa, nếu không sẽ bị phỏng).

- Cám gạo: Lấy khoảng 100g cám gạo, rang nóng cho đến khi bắt đầu có khói đen. Cho vào khăn, cột chặt lại và bắt đầu chà xát lên da.

Đánh cho đến khi da người bệnh ửng đỏ lên là được.

PGS-TS Lưu Thị Hiệp
(BV Đa khoa Hồng Đức)

    Lưu ý:

    Mặc dù đây là phương pháp đơn giản, dễ sử dụng, nhưng để tránh những đáng tiếc có thể xảy ra, trước khi áp dụng đánh gió, cần có chẩn đoán chính xác căn bệnh, có chỉ định của thầy thuốc, không nên áp dụng một cách tùy tiện.

    Việc đánh gió, cạo gió thường để chữa các chứng cảm phong hàn: sổ mũi, ngạt mũi, ớn lạnh...

    Không đánh gió, cạo gió với các trường hợp sau:

    - Người bị sốt không rõ nguyên nhân (có thể là sốt rét, sốt xuất huyết...).

    - Người bị chóng mặt, đau đầu (triệu chứng có thể gặp trong tăng huyết áp, huyết áp thấp, rối loạn tiền đình, u não, thiên đầu thống...).

    - Người đang mắc bệnh tim mạch hay có tiền sử bệnh tim mạch.

    - Người bị đau vai gáy (khi chưa có chẩn đoán xác định bệnh lý).

    - Người có vết loét ngoài da hay mắc bệnh ngoài da.

    - Người mắc bệnh Hemophylie (bệnh máu không đông).

    - Phụ nữ đang mang thai (vì những động tác đánh gió, cạo gió có thể gây kích ứng quá mạnh, ảnh hưởng đến thai nhi).

    - Trẻ em (da của trẻ còn non và gây khó phát hiện khi trẻ bị sốt xuất huyết).

0 nhận xét

Đăng nhận xét