Sơ cứu khi bé bị chảy máu cam, bong gân, gãy xương và trật khớp

Người đăng: Gia Đình & Sức Khỏe Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Trẻ nhỏ vô cùng nghịch ngợm và hiếu động nên việc chảy máu cam, hay bong gân, gẫy xương, trật khớp... là việc khó có thể tránh khỏi. Nếu trẻ bị như vậy, trước tiên bạn không nên hoảng loạn mà phải thật sự bình tĩnh để tiến hành sơ cứu cho trẻ.

Chảy máu cam

Nguyên nhân

Có thể do va chạm mạnh vào mũi, hoặc do ngoáy mũi và xì mũi quá mạnh. Đôi khi chảy máu cam cũng không có nguyên nhân rõ ràng, một số trẻ em có khuynh hướng dễ chảy máu cam vì mạch máu trong mũi của chúng dễ vỡ hơn bình thường.

Cách chữa trị

- Nếu con bạn bị chảy máu cam, hãy áp dụng sức ép lên ngay vùng mũi. Bạn hãy giúp bé cúi nghiêng đầu về phía trước trên một cái bát to hay cái thau và bóp chặt 2 lỗ mũi bé lại trong khoảng 10 phút. Bạn hãy cố gắng làm cho cháu ngưng xì mũi, khịt mũi, hoặc nuốt máu, nếu có máu trong miệng bé, hãy khuyến khích nhổ máu ra.

- Nếu mũi bé vẫn còn chảy máu, bạn hãy đắp một miếng vải nhúng nước lạnh vắt ráo hoặc bọc một cục đá nhỏ trong một chiếc khăn rồi đặt lên mũi bé khoảng 2 phút, sau đó bóp chặt mũi bé lại.

- Không cho bé xì mũi trong khoảng 4 giờ, sau khi hết chảy máu.

- Hãy đưa bé đến bác sĩ, nếu con bạn vẫn tiếp tục chảy máu cam sau nửa giờ.

Bong gân

Khi một khớp xương bị bong gân, các dây chằng (tức là các sợi dây bền chắc, nâng đỡ khớp xương) bị tổn thương. Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng gãy xương. Nếu bạn không biết chắc là bong gân hay gãy xương, bạn cứ chữa trị như một trường hợp gãy xương.

Triệu chứng

- Đau ở vùng bị chấn thương.

- Sưng lên và sau đó bị bầm.

- Cử động khớp xương khó khăn.

Cách chữa trị

- Nhẹ nhàng cởi giầy và tất ra cho con bạn, hay bất cứ cái gì khác có thể chèn ép chỗ sưng chung quanh khớp xương bị chấn thương.

- Nâng khớp xương bị chấn thương trong tư thế nào dễ chịu nhất cho con bạn, rồi đắp lên trên khớp xương 1 cái khăn nhúng nước thật lạnh và vắt ráo. Hoặc trườm đá bọc trong khăn sạch vào vết thương để bớt sưng và đau.

- Quấn một lớp bông gòn dày quanh khớp xương và quấn băng cho chắc, nhưng đừng quấn quá chặt khiến móng chân, móng tay,… trở nên trắng bệch hay xanh nhạt.

Đưa bé đến bệnh viện ngay sau khi đã băng bó, sơ cứu xong.

Gãy xương và trật khớp

- Gãy xương rất ít gặp ở các em bé và trẻ nhỏ vì xương của các bé chưa cứng hẳn, mềm nên có khuynh hướng bị bẻ cong hơn là gãy. Dạng gãy xương thường gặp nhất ở trẻ em là dạng gãy cành tươi, là kiểu gãy mà xương bị đứt ra ở một chỗ và bị uốn cong chứ không đứt lìa ra.

- Trật khớp là khi có một hoặc nhiều xương bị trượt ra khỏi vị trí bình thường, thường xảy ra sau khi khớp xương bị vặn quá mạnh.

Các triệu chứng

- Di chuyển khó khăn.

- Đau trầm trọng ở vùng bị chấn thương.

- Sưng và sau đó bị thâm tím.

- Cử động khó khăn ở những vùng bị chấn thương.

- Phần đoạn bị chấn thương có trạng thái méo mó, dị dạng.

Việc cần làm

Tất cả các trường hợp gãy xương hoặc trật khớp đều phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay. Nên giữ cho trẻ bất động trong khi chờ xe đến và không nên cho trẻ ăn uống gì. Có thể giữ cho chấn thương không nặng thêm, bằng cách cố định các khớp trên và dưới chỗ gãy.

Buộc băng đeo tay

- Đặt băng đeo vào vị trí: Giúp trẻ đặt cánh tay ngang qua ngực, bạn hãy đặt băng đeo giữa cánh tay và ngực của trẻ. Nên dùng băng hình tam giác hoặc hình vuông hay có thể gấp một miếng vải theo đường chéo để làm băng. Kéo một góc qua cổ đến bên vai của cánh tay kia.

- Buộc băng: Kéo phần dưới của băng lên qua cánh tay bị thương và buộc góc dưới của tam giác vào góc đang để trên vai của cánh tay kia. Nhét phần vải thừa vào bên trong nút.

- Siết chặt góc băng: Dùng kim băng, gài chặt phần thừa của băng vào chỗ cùi chỏ. Nếu không có kim băng, nhét phần vải thừa vào trong băng. Bàn tay của bé để thò ra ngoài.

Bó nẹp chân

- Tự tạo một nẹp chân: Đặt trẻ nằm xuống và đặt nẹp giữa 2 chân. Có thể dùng một tờ báo, chăn hoặc một chiếc gối nhỏ để làm nẹp.

- Buộc nẹp chân: Dùng loại băng lớn nhất để buộc chân bị gãy vào bên chân lành ở đầu gối, bắp chân và mắt cá chân. Tất cả các nút buộc phải nằm ở phần chân không bị thương.

Chú ý:

Nếu bạn nghi ngờ rằng trẻ bị gãy cột sống hoặc cổ, có thể ảnh hưởng đến tuỷ sống nằm trong các đốt sống thì điều quan trọng là đừng di chuyển trẻ trong thời gian chờ cấp cứu. Nếu bị chấn thương tuỷ sống, trẻ sẽ cảm thấy nóng, đau nhức hoặc mất cảm giác ở chân tay.

0 nhận xét

Đăng nhận xét