Tránh mất nước ở trẻ sơ sinh

Người đăng: Gia Đình & Sức Khỏe Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Mất nước là khi cơ thể của bé không có đủ lượng nước theo nhu cầu. Các bé có xu hướng dễ bị mất nước hơn người lớn, vì bé có thể bị nôn (trớ), tiêu chảy, sốt hoặc ra mồ hôi. Nếu bé bị mất nước nhẹ, bạn dễ dàng bổ sung nước mà không gây hại cho bé; nếu bị mất nước nặng và kéo dài có thể bị nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.

Những dấu hiệu cho thấy bé đang hoặc sắp bị mất nước

-    Hơn 6 giờ đồng hồ, bé không làm ướt một chiếc tã.

-    Nước tiểu của bé có màu sậm hơn bình thường.

-    Miệng và môi của bé bị khô.

-    Bé khóc mà không ra nước mắt.

-    Trông bé mệt mỏi, lờ đờ.

-    Dấu hiệu nghiêm trọng: mắt bé trũng xuống; chân, tay của bé có vẻ lạnh; bé ngủ liên tục hoặc quấy khóc.

Phòng tránh mất nước cho bé

Bạn nên duy trì việc cho bé bú mẹ thường xuyên, đồng thời có thể cho bé uống thêm chút nước lọc để bổ sung nước cho trẻ.

Nếu bé uống nước hoa quả, bạn nên pha loãng nước hoa quả, bằng cách pha với nước lọc để cho bé uống.

Nếu mẹ chưa có đủ sữa cho trẻ bú, mẹ nên cho trẻ uống thêm 20-30ml nước pha với một chút đường glucoza sau mỗi lần cho trẻ bú, để kịp thời bổ sung kịp thời về nhu cầu về nước trong quá trình trao đổi chất.

Thời tiết nóng bức và vận động nhiều làm trẻ mất nước, vì thế cha mẹ cần lưu ý điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp, tránh để trẻ chịu nóng, đồng thời quan tâm hơn đến việc cung cấp nước cho trẻ vào mùa hè và những ngày nóng bức hoặc khi vừa cho trẻ vận động xong.

Cách khắc phục khi trẻ bị mất nước

Sốt mất nước: Trẻ nhỏ thường xảy ra hiện tượng sốt mất nước, khi trẻ bị sốt mất nước cha mẹ cần kịp thời bổ sung nước cho trẻ, thông thường cha mẹ có thể cho trẻ bổ sung nước bằng cách cho trẻ uống dung dịch glucoza 5%, uống mỗi lần 10-15ml, 2h/1lần. Bên cạnh đó cha mẹ có thể dùng dung dịch cồn 75% pha với lượng nước tương đương thấm vào vải sạch để lau trán, lòng bàn tay, bàn chân, gáy, nách, đùi cho trẻ để tản nhiệt, hạ sốt. Sau khi xử lí bằng các biện pháp trên nếu trẻ không hạ sốt cha mẹ cần kịp thời đưa trẻ đến bác sĩ để khám và điều trị.

Tiêu chảy: Nếu mắc chứng bệnh về đường ruột, bé có thể bị mất nước vì bị tiêu chảy và nôn (trớ). Không nên cho bé uống nước hoa quả, vì nó sẽ khiến tình trạng bệnh ở bé tồi tệ hơn. Bạn cũng không nên tự ý cho bé dùng thuốc chống tiêu chảy, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Tăng cường số lần bú trong ngày cho bé, có thể cho bé uống thêm nước.

Mất nước do bé từ chối uống: Đau họng hoặc chứng bệnh tay - chân - miệng có thể gây đau trong khoang miệng nên khiến bé từ chối ăn, uống. Bạn nên đưa bé đi khám để bác sĩ tìm cách trị liệu thích hợp; sau đó, bạn nên cho bé bú mẹ - thường xuyên.

Nếu bé xuất hiện dấu hiệu mất nước nghiêm trọng, bạn nên nhanh chóng đưa bé đi khám và điều trị.

0 nhận xét

Đăng nhận xét