Phòng bệnh cho trẻ sơ sinh

Người đăng: Gia Đình & Sức Khỏe Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Trẻ sơ sinh rất dễ bị mắc bệnh, nhất là trẻ đẻ non, đẻ yếu vì vậy phải tăng cường chăm sóc chu đáo, kịp thời phòng và tránh bệnh tật cho trẻ.

Tiêm chủng

- Để phòng tránh bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, khi người mẹ mang thai ở tháng cuối cần được tiêm phòng uốn ván.

- Sau khi sinh, trẻ phải được tiêm phòng lao (BCG) và uống phóng bại liệt (Sabin) lần thứ nhất.

Phòng bệnh đường tiêu hoá

Trẻ sơ sinh dễ bị tưa miệng vì miệng còn khô do nước bọt được bài tiết rất ít, mỗi lần bú hoặc ăn sữa xong, cặn sữa đọng lại ở miệng rất dễ bị lên men, tạo điều kiện cho nấm tưa phát triển. Vì vậy, mỗi lần sau khi bú (hoặc ăn sữa) nên cho trẻ uống 1-2 thìa nhỏ nước đun sôi để nguội để tránh đọng cặn sữa ở miệng. Khi thấy trên lưỡi trẻ có lớp trắng phủ, lấy một tăm quấn bông thấm nước đun sôi để nguội hay thấm mật ong để lau lưỡi, nếu thấy lớp trắng ngày càng dày hơn, trẻ bỏ bú là tưa lan mạnh. Lấy rau ngót rửa sạch, giã vắt lấy nước thấm bông hoặc lấy glyxerin borat để đánh tưa cho trẻ.

Bình thường 24 giờ sau khi đẻ, trẻ bắt đầu thải phân su. Thời gian thải phân su 2 – 4 ngày. Phân su màu xanh thẫm, không có mùi thối. Hết giai đoạn thải phân su, phân có màu vàng sẫm, sền sệt, lỏng, ngày trung bình 5 lần, có thể đến 8 lần nếu trẻ bú nhiều. Sau mỗi lần trẻ đại tiện nên dùng gạc thấm nước ấm rửa sạch, tránh hăm loét. Nếu trong những ngày đầu sau khi đẻ, trẻ không ỉa phân su, bụng chướng to dần, có kèm theo nôn (hoặc không nôn) cần cho trẻ đi khám để phát hiện các dị tật đường tiêu hoá.

Trái lại, nếu trẻ đi đại tiện nhiều lần trong một ngày, phân lỏng, xanh, có khi có những hạt trắng lổn nhổn; có thể bị nôn trớ, bụng đầy, ậm ạch, khó thở là trẻ bị bệnh ỉa chảy, cần cho trẻ đi khám để xử trí kịp thời, nếu để nặng sẽ nguy hiểm tính mạng.

Phòng bệnh đường hô hấp

Lọt lòng mẹ, cùng với tiếng khóc chào đời là lúc trẻ bắt đầu thở bằng phổi, nếu trẻ không khóc ngay có thể trẻ bị ngạt, ngừng thở phải cấp cứu ngay cho trẻ.

Nhịp thở trẻ sơ sinh 40-50 lần/1phút. Khi trẻ thở thấy bụng di động. Nếu trẻ thở quá nhanh trên 60 lần/1phút hoặc thở quá chậm, thỉnh thoảng ngừng thở kèm theo môi tím tái, ngón tay, ngón chân tím tái, có thể trẻ bị viêm phổi nặng phải cho trẻ đi cấp cứu ngay.

0 nhận xét

Đăng nhận xét