Bệnh xương khớp (phần 2)

Người đăng: Gia Đình & Sức Khỏe Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Bệnh xương khớp được ví như những tên trộm vặt, mỗi ngày một chút, chúng lấy dần các khoáng chất của bộ xương. Lúc đầu người bệnh không cảm thấy khó chịu vì bệnh diễn biến thầm lặng, không có dấu hiệu nào rõ ràng, có chăng chỉ là một vài triệu chứng đau, nhức, mỏi không cố định, có khi rất mơ hồ, vu vơ ở cột sống lưng, ở dọc các chi, ở các đầu xương...



CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA BỆNH LOÃNG XƯƠNG

1. Kém phát triển thể chất từ khi còn nhỏ, đặc biệt là còi xương, suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu protid, thiếu calci hoặc tỷ lệ calci/phospho trong chế độ ăn không hợp lý, thiếu vitamin D hoặc cơ thể không hấp thu được vitamin D... làm bộ xương không đạt được khối lượng khoáng chất đỉnh ở tuổi trưởng thành.

2. Ít hoạt động thể lực (hoạt động thể lực thường xuyên sẽ giúp cho cơ thể đạt được khối lượng xương cao nhất lúc trưởng thành), ít hoạt động ngoài trời (tiền chất của vitamin D không trở thành vitamin D nên ảnh hưởng tới việc hấp thu calci).

3. Sinh đẻ nhiều lần, nuôi con bằng sữa mẹ mà không ăn uống đủ chất đặc biệt là protid và calci, để bù đắp lại.

4. Bị các bệnh đường tiêu hóa (dạ dày, ruột...) làm hạn chế hấp thu calci, vitamin D, protid...

5. Có thói quen: uống nhiều rượu, bia, cà phê, hút nhiều thuốc lá... làm tăng thải calci qua đường thận, giảm hấp thu calci ở đường tiêu hóa...

BIỂU HIỆN CỦA BỆNH LOÃNG XƯƠNG

Bệnh này được ví như những tên trộm vặt, mỗi ngày một chút, chúng lấy dần các khoáng chất của bộ xương. Lúc đầu người bệnh không cảm thấy khó chịu vì bệnh diễn biến thầm lặng, không có dấu hiệu nào rõ ràng, có chăng chỉ là một vài triệu chứng đau, nhức, mỏi không cố định, có khi rất mơ hồ, vu vơ ở cột sống lưng, ở dọc các chi, ở các đầu xương... Càng về sau, khi khối lượng khoáng chất bị mất ngày càng nhiều, các triệu chứng đau nhức nêu trên sẽ rõ ràng dần lên, tập trung nhiều hơn ở các vùng xương chịu lực của cơ thể như hông, thắt lưng, khớp gối. Loãng xương rất thường đi kèm với bệnh thoái hóa khớp, cũng là bệnh thường gặp ở người có tuổi. Tình trạng loãng xương sẽ làm cho quá trình thoái hóa nặng thêm, và quá trình này cũng làm bệnh loãng xương nặng nề thêm.

CÁC TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GÂP CỦA BỆNH LOÃNG XƯƠNG

1. Đau xương: Đau nhức các đầu xương.

Đau nhức, mỏi dọc các xương dài.

Đau nhức như châm chích toàn thân.

Đau tăng về đêm, nghỉ ngơi không hết.

2. Đau cột sống, đau như thắt ngang cột sống hoặc lan sang một hoặc hai bên mạn sườn do kích thích các rễ thần kinh liên sườn. Đau cột sống thường kèm theo co cứng các cơ dọc cột sống gây đau, giật cơ khi thay đổi tư thế. Lúc nằm yên, người bệnh thường thấy dễ chịu hơn.

3. Gù vẹo cột sống, giảm chiều cao so với lúc trẻ (do các đốt sống bị lún, xẹp hoặc bị gãy lún).

4. Các triệu chứng toàn thân thường gặp là luôn có cảm giác lạnh hoặc ớn lạnh, hay bị chuột rút (vọp bẻ), thường ra mồ hôi.

Hình 2: Giảm chiều cao so với lúc trẻ vì các đốt sống bị lún và xẹp do loãng xương.

Hình ảnh 2 mẹ con, người mẹ 75 tuổi, người con 50 tuổi.

Lúc trưởng thành người mẹ cao hơn người con 5cm.

5. Thường có kèm theo các bệnh của người có tuổi như: béo bệu, cao huyết áp, bệnh mạch vành, tiểu đường, thoái hóa khớp...

Khi đã có các triệu chứng lâm sàng rõ ràng nêu trên, khối lượng xương của cơ thể thường đã giảm ? 30%. Lúc này trên phim X quang thường có thể thấy rõ hiện tượng loãng xương như: Xương tăng thấu quang.

Vỏ xương bị mỏng đi.

Các đốt sống bị biến dạng: lún xẹp hoặc gãy lún.

CHẪN ĐOÁN BỆNH LOÃNG XƯƠNG CÓ KHÓ KHÔNG?

Việc chẩn đoán thường không gặp khó khăn khi đã có hiện tượng loãng xương rõ, lúc này dựa vào:

? Tuổi tác, giới tính.

? Các đặc điểm và thói quen sinh hoạt.

? Các phim X quang hệ thống xương (đặc biệt là cột sống).

? Tỷ trọng khoáng chất của xương (BMD) và khối lượng của bộ xương (BMC) bằng phương pháp quét và đo độ hấp thu proton của bộ xương - DEXA để đánh giá mức độ loãng xương.

? Chụp cắt lớp (CT scan) hoặc cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá mức độ loãng xương.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT HIỆN SỚM BỆNH LOÃNG XƯƠNG?

? Khi loãng xương còn nhẹ hay mới bị, việc chẩn đoán hoàn toàn dựa vào việc tìm hiểu, đánh giá kỹ các yếu tố nguy cơ và đo tỷ trọng khoáng chất (BMD), khối lượng xương (BMC). Các phương pháp này có thể đánh giá mức độ loãng xương và dự báo khả năng gãy xương của người bệnh.

? Ngay khi còn trẻ (độ tuổi 25-35), có thể đo tỷ trọng khoáng chất đỉnh của bộ xương (OPBMD) lúc trưởng thành. Tỷ trọng khoáng chất đỉnh thấp là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh loãng xương sau này.

HẬU QUẢ CỦA BỆNH LOÃNG XƯƠNG

Gãy xương khi bị những chấn thương nhẹ là hậu quả cuối cùng của bệnh loãng xương. Gãy xương do loãng xương thường gặp ở các vị trí chịu lực của cơ thể như cột sống, thắt lưng và cổ xương đùi. Với người có tuổi thường có nhiều bệnh lý của tuổi tác đi kèm như tim mạch, huyết áp, tiểu đường... và đặc biệt với tình trạng loãng xương nặng saün có (thiếu chất khoáng và protein của xương) thì việc liền xương thường rất khó khăn, đa số người bệnh phải nằm tại chỗ nhiều ngày, thậm chí phải nằm điều trị dài ngày trong bệnh viện. Việc nằm tại chỗ dài ngày khi gãy xương không những làm tình trạng loãng xương càng nặng lên mà còn kéo theo nhiều nguy cơ rất bất lợi cho sức khỏe người có tuổi như bội nhiễm đường hô hấp, đường tiết niệu, loét mục ở các điểm tỳ đè... Đây cũng là một nguyên nhân chính gây tàn phế và giảm tuổi thọ cho người có tuổi (theo thống kê, ở các nước phát triển có đến 20% người có tuổi bị gãy cổ xương đùi sẽ tử vong trong vòng 6 tháng đầu vì các biến chứng do nằm lâu nêu trên).

PTS. BS LÊ ANH THƯ
Bệnh viện Chợ Rẫy

0 nhận xét

Đăng nhận xét