“Giải phóng” mũi nghẹt như thế nào?

Người đăng: Gia Đình & Sức Khỏe Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

Mỗi khi thời tiết thay đổi, bạn dễ bị cảm lạnh do sức đề kháng giảm dẫn tới nghẹt mũi. Nghẹt mũi làm giọng nói của bạn trở nên khàn đục, giấc ngủ kém ngon và hiệu suất làm việc suy giảm. Khi mũi bị nghẹt, bạn phải thở bằng miệng khiến không khí hít vào không được lọc sạch, làm ấm và ẩm dẫn đến các chứng bệnh như viêm họng, thanh quản, phế quản hay viêm phổi. Chủ tịch khoa Tai mũi họng bệnh viện ĐH Long Island (Mỹ) khuyên bạn nên tìm và đánh giá nguyên nhân gây chứng nghẹt mũi để có cách "giải phóng" đúng đắn.

Giáo sư Richard Rosenfeld khẳng định: "Điều quan trọng là hiểu tại sao mũi của bạn bị nghẹt. Ví dụ, bệnh viêm xoang đòi hỏi một đơn thuốc kháng sinh; bệnh dị ứng có thể cần một liều kháng histamine - loại thuốc chữa dị ứng phổ biến hiện nay. Các bệnh về cấu trúc như lệch vách ngăn sẽ thích hợp với một cuộc phẫu thuật. Với tình trạng nghẹt mũi kéo dài, bạn cần tới gặp bác sĩ của mình".

Khi bạn đã xác định được nguyên nhân gây nghẹt mũi của mình, sẽ có một số lựa chọn giúp "khai thông" tình trạng khó chịu mà bạn đang phải chịu đựng.

Rửa mũi với nước muối

Một nghiên cứu hoàn thành năm 2007 được công bố trên Archives of Otolaryngology - Head & Neck Surgery đã chứng minh: với một nhóm bệnh nhân mắc viêm xoang mãn tính, rửa mũi bằng nước muối có hiệu quả hơn hẳn xịt muối.

Giáo sư Rosenfeld khẳng định: "Nguyên tắc cơ bản là bạn cần rửa một cách thực sự chứ không chỉ làm ẩm mũi". Cách làm đúng đắn là bạn dùng bộ dụng cụ rửa mũi bán sẵn hoặc tự chế tại nhà để đưa lượng nước muối thích hợp vào mũi. Bạn chỉ dừng rửa mũi khi mũi không còn chất nhầy hoặc chất đục chảy ra.

Hãy thử một loại thuốc xịt mũi

Bạn hãy thử một loại thuốc xịt mũi, tuy nhiên, bạn không nên sử dụng một loại thuốc "nặng" quá 3 ngày liên tiếp. Lạm dụng có thể tạo ra những tác dụng ngược, khiến tình trạng nghẹt mũi không giảm đi hoặc khó điều trị hơn khi mắc lại. Giáo sư Rosenfeld gợi ý người bệnh sử dụng hai loại thuốc xịt có tên Flonase và Nasonex để làm giảm tình trạng "tắc nghẽn" mũi.

Đề nghị thuốc giảm nghẹt mũi dạng uống

Nếu bị tắc mũi do nguyên nhân trời lạnh chứ không phải viêm xoang, bạn hãy hỏi bác sĩ về một toa thuốc thông mũi dạng uống. Toa thuốc này sẽ giúp bạn giảm hắt hơi, ngứa và chảy nước mũi nhanh chóng.

Xông hơi

Theo Giáo sư Rosenfeld, người mắc chứng nghẹt mũi nên ngồi trước một máy tạo độ ẩm không khí dạng phun sương mát hay sử dụng những thiết bị xông hơi cá nhân để giảm bớt tình trạng bệnh.

Giải pháp khi phenylephrine ít tác dụng

Phenylephrine là thành phần chính trong loại thuốc giúp thông mũi dạng uống được bán phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, tại Mỹ, không ít người phàn nàn loại thuốc này chưa thực sự phát huy tác dụng với liều lượng 10mg cho phép. Một số bệnh nhân còn khẳng định phenylephrine không hiệu quả bằng chất pseudoephedrine, có tác dụng chống xung huyết mũi bằng cách co mạch máu, ngăn dịch thoát ra khỏi lòng mạch, nhưng hiện ít phổ biến hơn.

Giáo sư Rosenfeld gợi ý bệnh nhân nên tìm thuốc chứa pseudoephedrine khi phenylephrine không mấy tác dụng. Riêng tại Mỹ, để mua được thuốc người bệnh cần trình thẻ căn cước, không mua quá 9g mỗi tháng hoặc 3,6g mỗi ngày.

Diên Vỹ (theo health.usnews.com)

0 nhận xét

Đăng nhận xét