Phòng bệnh trẻ em khi thời tiết chuyển mùa

Người đăng: Gia Đình & Sức Khỏe Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Nếu không được điều trị kịp thời trẻ bị viêm phổi khi trời lạnh sẽ bị một số biến chứng và nặng hơn, có thể tử vong.

Trời lạnh trẻ dễ viêm phổi

BS Nguyễn Văn Lộc - Trưởng đơn vị khám tư vấn hen (Khoa Khám bệnh, BV Nhi T.Ư) khuyến cáo, thời tiết lạnh trẻ rất dễ bị hen, viêm phổi, viêm phế quản. Khi thấy trẻ có biểu hiện khó thở, thở rít, thở làm rút lõm lồng ngực, li bì, co giật... cần đưa trẻ đi khám ngay ở cơ sở y tế. Trẻ nhỏ rất dễ bị viêm phổi khi trời lạnh. Nếu không được điều trị kịp thời trẻ sẽ bị biến chứng dẫn đến khó thở, tím môi, nhịp tim đập nhanh... Nặng hơn, có thể tử vong do suy hô hấp, sốc nhiễm trùng.

Những bệnh trẻ em dễ mắc trong mùa lạnh

Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư tư vấn các loại bệnh trẻ dễ gặp vào mùa lạnh như sau:

1. Cảm mạo thường biểu hiện dưới dạng dị ứng mũi: Người bệnh hắt xì thành cơn dài liên tục, kèm theo chảy nhiều nước mũi trong và lỏng, không sốt. Có thể dùng một số thuốc chống dị ứng thông thường như phenergan, chlopheniramin, theralen... trong vài ngày là hết.

2. Viêm mũi: Bệnh xuất hiện sau khi bị nhiễm lạnh, có triệu chứng ngứa lỗ mũi (trẻ hay dụi tay lên mũi) và chảy nước mũi nhiều, có thể sốt hoặc không. Ở trẻ còn bú, khi bị viêm mũi thường gây khó chịu, ngủ không yên giấc, nghẹt mũi gây thở khò khè, thường phải thở bằng miệng và phải ngưng lại nhiều lần để thở khi bú.

3. V.A - sùi vòm: Bệnh phổ biến ở trẻ em 3-7 tuổi. V.A là nơi sản xuất ra kháng thể chống lại vi trùng xâm nhập vào cơ thể, đồng thời cũng là nơi tập trung vi trùng nếu không còn khả năng tiêu diệt. Trẻ viêm V.A thường gầy yếu, kém nhanh nhẹn, chảy nước mũi thường xuyên, ban đầu là nước mũi trong sau đục mủ vàng hoặc xanh, bị nóng sốt vặt kèm ho nhiều, trong tai có thể chảy mủ, ngáy to khi ngủ do mũi bị nghẹt và phải thở bằng miệng.

4. Viêm amiđan: Trẻ bị viêm amiđan cấp sẽ sốt cao từ 39-40 độ C, đau họng, khó nuốt, chảy nước miếng nhiều, mệt mỏi, biếng ăn, biếng chơi. Viêm amiđan rất dễ gây biến chứng nếu không được điều trị đúng.

5. Viêm họng cấp: Là bệnh thường xảy ra vào mùa Đông, gặp cả ở người lớn và trẻ em. Triệu chứng đầu tiên là đau họng khi nuốt, kèm theo sốt, khàn tiếng. Nguyên nhân gây bệnh là loại vi khuẩn liên cầu tan máu beta nhóm A. Bệnh có thể gây đau khớp, biến chứng dẫn đến bệnh thấp tim ở trẻ em.

6. Viêm xoang: Thường xảy ra sau những bệnh về mũi như sổ mũi mùa, nghẹt mũi, viêm mũi. Nhức đầu là biểu hiện nổi bật trong viêm xoang. Ngoài ra, người bệnh còn bị nghẹt mũi, nước mũi đặc, cần được chụp phim để xác định tình trạng xoang bị viêm.

7. Viêm phế quản: Có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, thường sau khi thay đổi thời tiết, hoặc bị viêm họng, viêm mũi... Nhiều trường hợp trẻ chỉ sổ mũi trong, ho nhẹ vài cái, vẫn chơi, ăn uống bình thường. Nếu tình trạng này kéo dài, không điều trị đúng, trẻ dễ dẫn đến biến chứng bội nhiễm vi trùng gây viêm phế quản phổi rất nguy hiểm.

8. Bệnh suyễn (hen phế quản): Thường gặp ở trẻ có cơ địa dị ứng như có bệnh chàm, nổi mề đay, ngứa... Khó thở là biểu hiện điển hình, thở kéo dài làm phập phồng cánh mũi, gây co kéo hõm ức, tiếng thở khò khè, môi tím, vẻ mặt sợ hãi. Nhiều trường hợp khó thở cấp tính cần xử trí cấp cứu kịp thời.

Q. Hà - H. Trang

Nguồn : Phòng bệnh trẻ em khi thời tiết chuyển mùa

0 nhận xét

Đăng nhận xét