Dinh dưỡng cho trẻ sắp bị béo phì

Người đăng: Gia Đình & Sức Khỏe Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

Hỏi: Bé nhà em sắp được 27 tháng, nặng 17kg, cao 99cm. Em rất lo lắng sợ con béo phì vì cháu hấp thụ rất tốt. Em có nên giảm khẩu phần ăn của cháu không?

Hàng ngày bé ăn 2 bữa cháo (mỗi bữa trên 300ml) vào bữa sáng và trưa, tối cháu ăn khoảng 1 bát con cơm (em chỉ cho con chủ yếu là tôm, cá và lươn, rất ít ăn thịt). Ngoài ra cháu uống 2 bữa sữa (khoảng 180ml/lần), 1 hộp sữa chua Vinamilk 100ml, rau và nhiều hoa quả. Thỉnh thoảng em có cho cháu ăn phomai hoặc thay sữa bột bằng sữa tươi. Cháu rất rắn chắc, nhanh nhẹn, hiếu động. Em rất lo lắng sợ con béo phì vì cháu hấp thụ rất tốt. Em có nên giảm khẩu phần ăn của cháu không? Và nếu có thì điều chỉnh thế nào cho hợp lý? Mong bác sỹ tư vấn giúp em!

(Lê Hoàng Lan - lehoanglan_cghd@yahoo.com)

aFamilybeophi Dinh dưỡng cho trẻ sắp bị béo phì

Tư vấn:

Với chiều cao 99cm, thì cân nặng tương ứng là 15 kg tương đương với bé 41 tháng, con em 17 kg thì trong tình trạng thừa cân nhưng chưa bị béo phì. Tuy nhiên em cũng nên giảm bớt khẩu phần của trẻ, mỗi bữa cháo chỉ ăn 150 ml thôi, cơm thì ăn ½ bát, riêng sữa thì vẫn giữ nguyên, nhưng chỉ nên uống sữa tươi không đường hoặc sữa bột tách béo.

Cho trẻ ăn thêm nhiều rau khi nấu cháo, riêng quả chín thì nên ăn táo, lê, bưởi, hạn chế chuối, xoài, na, nho mỹ vì các loại quả này ăn nhiều cũng bị tăng cân.
Bên cạnh đó nên cho cháu tăng cường vận động: đi bộ, đạp xe 3 bánh, chơi với bóng... nói chung không nên để bé tăng cân thêm nữa, nếu có tăng cũng chỉ 1 - 2lạng/tháng thôi. Không ăn bánh kẹo, nước ngọt, bimbim, khoai tây chiên và các thức ăn chế biến sẵn.

Bác sỹ Lê Thị Hải

Viện dinh dưỡng Quốc gia

    Béo phì ở trẻ em là gì?
    Béo phì ở trẻ em được định nghĩa là sự tăng quá mức của lượng mỡ dự trữ dẫn đến cân nặng bất thường, quá mức so với chiều cao của trẻ em.

    Theo khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng, tại TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ từ 6 đến 11 tuổi là 12%, một tỷ lệ đáng lo ngại, báo động thật sự về tình hình sức khỏe trẻ em. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang tình hình cũng tương tự.

    Những quan niệm sai lầm về việc đáp ứng tính háo ăn của trẻ, thói quen tùy tiện khi sử dụng các loại sữa dinh dưỡng nội ngoại cho trẻ không theo hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa, cùng với điều kiện kinh tế, vật chất quá thừa mứa, đầy đủ, con hiếm muộn, ít con...tất cả đã dẫn đến tình trạng trẻ em béo phì mà ngày nay chúng ta có thể bắt gặp, nhìn thấy bất cứ nơi đâu. Đặc biệt với các bé gái, béo phì không chỉ là căn bệnh mà còn là sự mặc cảm rất lớn về tinh thần với bạn bè trang lứa cùng cắp sách đến trường.

0 nhận xét

Đăng nhận xét