Sơ cứu cho bé khi bị chấn thương đầu, mặt và mắt

Người đăng: Gia Đình & Sức Khỏe Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Va chạm đầu, vào mặt hay mắt là chuyện thường hay gặp ở trẻ và có thể gây nên những vết bầm, thâm tím nhưng ít khi nghiêm trọng. Để giảm bớt hậu quả chấn thương, bạn có thể đọc và nghiên cứu các gợi ý dưới đây nhé.

Chấn thương đầu và mặt

Các triệu chứng :

Gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến bệnh viên ngay lập tức, nếu con bạn bị chấn thương ở đầu và có những biểu hiện hoặc triệu chứng bất thường như sau:

- Bất tỉnh dù chỉ trong thời gian ngắn.

- Ói mửa.

- Tiếng thở nghe rõ khò khè hoặc ngáy (nếu con bạn không ngáy bao giờ).

- Khó đánh thức dậy hoặc lảo đảo một cách bất thường.

- Chảy nước trong hoặc có máu từ trong mũi hoặc tai chảy ra.

- Khóc khác thường.

- Nhức đầu trầm trọng.

- Bé cảm thấy khó chịu trước ánh sáng chói.

Việc nên làm:

Bước 1 : Trẻ bị thâm tím bầm dập, trước hết hãy dùng khăn nhứng vào nước lạnh hoặc bọc đá để trườm lên chỗ vết thương. Như vậy, có thể làm cho vết bầm không sưng lên nữa. Cứ mỗi phút lại kiểm tra vùng da bên dưới và lấy bọc đá ra khi phát hiện dưới da xuất hiện một mảng đỏ với một đốm trắng ở chính giữa.

Bước 2: Nếu đầu của bé bị chảy máu, sử dụng phương pháp cầm máu.

Phương pháp cầm máu:

- Nâng phần bị thương lên cao hơn tim để giảm lượng máu chảy ngang qua vết thương. Hãy tìm xem có những vật gì trong vết thương. Nếu có, hãy chữa trị theo cách mô tả dưới đây:

- Cho trẻ nằm xuống, đặt lên vết thương một miếng vải sạch, không tưa sợi, tốt nhất nên dùng một chiếc khăn tay sạch, rồi ấn mạnh lên vết thương trong khoảng 10 phút. Nếu không có sẵn miếng vải sạch nào, hãy ấn bằng ngón tay bạn, kéo cho 2 mép vết cắt dính lại với nhau.

- Cứ để nguyên miếng vải ban đầu tại chỗ, và buộc chặt một miếng đệm hay gạc sao cho sức ép được duy trì trên vết thương. Nếu miếng vải này đã thấm máu, bạn đừng thay bỏ nó đi, hãy thấm thêm một miếng gạc nữa lên trên để luôn duy trì sức ép.

Bước 3: Hãy theo dõi con bạn cẩn thận trong 24 giờ kế tiếp, xem cháu có bất kì dấu hiệu nào giống như triệu chứng nguy hiểm đã nêu. Nếu cháu bị va chạm vào đầu, cứ 3 giờ hãy đánh thức cháu một lần. Nếu cháu không thức dậy được bạn phải đưa trẻ vào viện ngay lập tức.

- Nếu trẻ có nước trong hoặc máu chảy từ ra từ mũi hoặc tai, bạn hãy đặt cháu trong tư thế hồi phục, rồi đặt một tấm vải sạch dưới mũi và tai trẻ, không nên tìm cách ngăn cản, không cho nước chảy ra.

- Bạn nên ở bên cạnh trẻ cho đến khi xe cấp cứu đến.

Chấn thương mắt

Bất cứ chấn thương nào ở mắt cũng cần phải được chữa trị cẩn thận. Những loại chấn thương mắt thông thường nhất là do vật lạ hoặc hoá chất rơi vào, va chạm mạnh gây bầm tím hoặc một vết cắn trong mắt hay gần mắt.

Triệu chứng:

Các triệu chứng diễn ra thường khác nhau, tuỳ thuộc vào từng loại chấn thương, nhưng thông thường nhất là tình trạng bầm tím xung quanh hốc mắt, không thể mở to mắt như bình thường, hoặc mí mắt của trẻ bị giật. Trẻ có thể sẽ gặp phải tình trạng nhìn hình ảnh bị nhoè, mắt có vằn đỏ và nếu trong trường hợp nhãn cầu mắt bị chấn thương, có thể có máu hoặc chất dịch lỏng chảy ra.

(Hình chỉ có tính minh họa)

Việc cần làm:

Các phương pháp cấp cứu phải tuỳ vào từng loại chấn thương, nhưng trong tất cả các trường hợp, phải hành động thật nhanh, đưa trẻ đi cấp cứu ngay sau khi sơ cứu.

- Nếu có vật lạ rơi vào mắt, phải tìm cách lấy nó ra ngay bằng khăn sạch hoặc dùng nước xối vào mắt. Nếu vật lạ nằm dính vào mắt hoặc trong lòng đen, hãy dùng vải bịt chặt mắt bị thương của trẻ lại và đưa cháu đến bệnh viện gần nhất.

- Trong trường hợp trẻ bị va chạm mạnh vào mắt, hãy dùng một mảnh vải sạch thấm nước lạnh đắp lên mắt để giảm bớt tình trạng bầm mắt.

- Nếu trẻ bị hoá chất bắn vào mắt, hãy đưa trẻ đến bệnh viện. Nhưng trước hết phải rửa sạch mắt của trẻ bằng nước. Hoặc có thể dùng bình để xối nước hoặc trẻ cúi xuống vòi nước đang chảy, nghiêng về phía mắt bị thương. Làm như vậy trong khoảng 15 phút.

Động kinh và co giật

Nguyên nhân:

Nguyên nhân chính của hiện tượng co giật là do sốt, động kinh, chấn thương đầu, những chứng bệnh gây chấn thương cho não và ngộ độc. Đôi khi có những cơn co giật xuất hiện không rõ nguyên nhân.

Triệu chứng:

- Các em bé mắc chứng động kinh thường bị những cơn co giật nhỏ xuất hiện dưới dạng mất tập trung chú ý hoặc mơ mộng, nhưng cũng có thể bị những cơn co giật lớn.

- Trong động kinh cơn nhỏ, trẻ có thể cảm thấy nhói đau hoặc bị giật nhẹ ở một vài nơi trên cơ thể, ví dụ như cánh tay, chân.

- Trong cơn co giật lớn, trẻ có thể la khóc, ngã gục xuống, bất tỉnh. Cơ thể trẻ bị cứng lại và có thể bị ngừng thở. Tiếp theo sau, những trạng thái bất động của cơ thể là những chuyển động co giật đều đặn của tay chân và cơ lưng uốn cong lại. Trẻ không kiểm soát được những chức năng của cơ thể và không ngừng co giật. Trẻ có thể nghiến răng hoặc sùi bọt mép.

- Sau cơn co giật, bắp cơ của trẻ giãn ra và trẻ có thể thở lại được bình thường. Khi trẻ tỉnh lại, trẻ có thể bị choáng váng hoặc muốn đi ngủ.

Việc cần làm:

- Điều quan trọng là bạn đừng can thiệp khi trẻ đang bị co giật. Ngay cả khi sợ trẻ cắn vào lưỡi, cũng đừng nên cố cạy miệng trẻ hoặc là để vật gì vào miệng trẻ. Dọn dẹp hết mọi thứ xung quanh khi trẻ đang lên cơn co giật, để trẻ không bị thương.

- Chú ý theo dõi các biểu hiện của trẻ và gọi cấp cứu.

0 nhận xét

Đăng nhận xét