Thay đổi về tâm lý ở tuổi vị thành niên

Người đăng: Gia Đình & Sức Khỏe Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Tuổi dậy thì là gì? Những thay đổi trong lứa tuổi mâu thuẫn này ra sao? Bạn cần biết những gì về giai đoạn mà ai cũng phải trải qua…

Thay đổi về tâm lý ở tuổi vị thành niên

Tuổi dậy thì là gì?

Tuổi dậy thì là thời kỳ chuyển tiếp từ giai đoạn trẻ thơ sang giai đoạn trưởng thành, là thời kỳ trẻ không còn là trẻ con nhưng vẫn chưa là người lớn. Đây là thời kỳ mà bất cứ một thiếu niên nào cũng phải trải qua những biến đổi quan trọng về cơ thể cũng như về tâm hồn.

Trẻ nữ, thường bắt đầu dậy thì ở tuổi từ 9 đến 14. Trẻ nam, dậy thì muộn hơn ở tuổi từ 12 đến 15. Nhìn chung nữ dậy thì sớm hơn nam khoảng 2 – 3 tuổi. Có trẻ dậy thì sớm hơn và cũng có trẻ dậy thì muộn hơn một vài năm.

Theo sinh lí, tuổi dậy thì là thời kỳ trưởng thành sinh dục, nghĩa là bắt đầu có khả năng sinh con. Nơi trẻ nữ, khi bắt đầu tuổi dậy thì là trẻ nữ có kinh nguyệt lần đầu, và nơi trẻ nam, là lần đầu tiên phóng tinh trùng lỏng.

Vào tuổi này, nam nữ bắt đầu có sự trưởng thành của cơ quan sinh dục, và bắt đầu có khả năng thụ thai nếu có quan hệ tình dục.

Khi nói đến tuổi dậy thì, người trẻ và phụ huynh cần quan tâm đến sự thay đổi về tâm sinh lý, để tránh những sai lầm không đáng có làm ảnh hưởng đến việc phát triển về tinh thần, thể chất và bệnh tật có thể xảy đến.

Tóm tắt tư tưởng của Stanley Hall trong 12 điểm tương phản tâm lí của tuổi dậy thì:

  1. Tuổi dậy thì hoạt động hăng, nhưng cũng dễ nhược: Lúc này hoạt động hăng hái, không đếm xỉa đến sức khỏe, dễ mắc chứng lao lực. Lúc khác lại lười biếng, ngại làm việc, hoặc không thể làm việc được như trước, vì đã gắng sức quá trong khi bồng bột. Vả lại những biến động trong thân xác cũng làm kiệt sức, làm mỏi mệt thần kinh, gây trạng thái nhọc nhằn, chán ngán hoạt động.
  2. Tuổi dậy thì dễ vui mà cũng dễ buồn: Có khi chỉ vì một căn cớ không đâu, đang vui như hoa nở, bỗng lại ủ dột như chiều thu. Ngay đến chính nạn nhân cũng không biết lý do tại đâu. Những trang nhật ký cho chúng ta thấy tâm hồn thiếu niên thiếu nữ theo thời tiết, với bất cứ biến cố nào xẩy ra nơi vạn vật trong vũ trụ như thông cảm với tâm hồn chúng.
  3. Tuổi dậy thì tự tôn, nhưng cũng tự ti: ưa khoe khoang, tự kiêu, dễ xúc động về những lời khen chê, vì vinh dự, nhưng cũng dễ chán nản khi gặp một trở lực nhỏ. Chúng tưởng mình thiếu tài lực và hành động như người nhát đảm. Rồi tạo ra cho mình một mối sầu u uất không muốn thổ lộ cho tha nhân. Để vơi sầu, chúng ghi đầy những trang nhật ký hoặc tìm an ủi và nghị lực nơi Thượng Đế.
  4. Tuổi dậy thì quảng đại, nhưng cũng ích kỷ: Trong lúc hào hứng có thể rất hy sinh, ghét ích kỷ, nhưng nhiều khi không ngần ngại chà đạp quyền lợi của tha nhân.
  5. Tuổi dậy thì vừa muốn làm thiên thần vừa muốn làm Satan: Một đàng muốn sống hợp luân lý, phong tục, một đàng có khuynh hướng thỏa mãn dục vọng, lý do rất dễ hiểu vì ý chí chưa phát triển đầy đủ, lại bị lôi kéo mãnh liệt bởi những khuynh hướng mới vừa đột nhập tâm hồn khiến chúng khó tìm đủ nghị lực mà thắng lướt cám dỗ.
  6. Tuổi dậy thì lúc ưa sống yên tĩnh một mình, lúc lại rạo rực muốn đi theo nhóm: Hình ảnh những người bạn cũ luôn luôn ám ảnh chúng, mong muốn gặp mặt. Sự mong muốn này lộ ra bằng những trang nhật ký.
  7. Tuổi dậy thì lúc cao thượng, lúc đê hèn…
  8. Tuổi dậy thì lúc thắc mắc mọi vấn đề, lúc thờ ơ tất cả: Chúng muốn tìm hiểu tất cả, nhưng rồi lại thờ ơ với mọi cái, ngay cả vấn đề chúng chú trọng nhất như danh vọng học hành.
  9. Tuổi dậy thì nhận lí rồi lại chê: khi đọc sách, lúc nhận những tư tưởng của tác giả, lúc lại khinh chê những kiến thức ấy, sẵn có thiên kiến và tư tưởng cố chấp, chúng bịt tai trước lời bàn cãi của tha nhân.
  10. Tuổi dậy thì là tuổi cách mạng: muốn đả phá và đổi mới trật tự sẵn có, nhưng rồi lại bảo thủ yêu cổ tục: Vì phán đoán và trí óc còn non nớt.
  11. Tuổi dậy thì vừa tân vừa cổ: cho thiếu niên nhiều kiến thức mới, nhưng cũng thích duy trì cơ cấu hiện tại.
  12. Tuổi dậy thì vừa khôn vừa khờ: nhiều khi tỏ ra sáng suốt, thông hiểu và có óc xác thực, trái lại có lúc vớ vẩn hành động như người thiếu lương tri.

0 nhận xét

Đăng nhận xét